Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy!
Câu ca dao ấy vang lên nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, trong ngày kỷ niệm thật thiêng liêng cao cả. Vâng! Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Nó nhắc nhở mỗi người trong chúng ta, dù còn đi học hay đã ra trường đều nhớ về công ơn to lớn của các thầy cô giáo.
Đang nhớ về các thầy cô giáo đã dạy mình ở thời phổ thông, tôi chợt giật mình và cảm thấy ân hận vì đã vô tình quên tri ân với “người Thầy” đã dạy dỗ tôi rất nhiều thứ, từ lúc tôi còn bé cho đến tận bây giờ. “Thầy” chính là một linh mục đang làm nhiệm sở tại một giáo xứ nghèo và xa xôi thuộc hạt Cái Bè, Giáo phận Mỹ Tho. Tôi vẫn quen gọi “Thầy” là “Ông Cố”.
Ông Cố đã chọn câu Lời Chúa để sống cho cuộc đời linh mục của mình thật ý nghĩa:“Mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” ( Ga 10,11)
Đến bây giờ, lúc nào tôi vẫn cảm thấy Ông Cố cũng sống và tâm niệm theo câu Lời Chúa đó. Ngài đã hy sinh làm rất nhiều việc phục vụ cho lợi ích giáo xứ của mình; Ngài đã xin nguồn tài trợ từ ân nhân khắp nơi cho việc xây dựng và tu sửa lại rất nhiều công trình của giáo xứ: Nhà xứ, Nhà giáo lý, Nhà sinh hoạt, Đài Đức Mẹ, Nhà ở cho Quý sơ về giúp xứ, bờ kè nhà thờ, hàng rào và bờ kè Đất thánh…
Đối với tôi, Ông Cố là bậc thầy đáng kính trong nhiều lĩnh vực. Ngài đã dạy tôi từ nhân bản, đạo đức cho đến chuyện học hành và đặc biệt là đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Tôi còn nhớ lúc mình học lớp Rước lễ. Ông Cố thường xuyên lên xem các cô chú, anh chị giáo lý viên dạy chúng tôi. Ông Cố còn tập cho chúng tôi các bài hát sinh hoạt rất hay, dù ngài rất bận rộn.
Đến năm học lớp 4, tôi xin Ông Cố cho tham gia vào ca đoàn. Ngài vui vẻ nhận lời và nói với tôi rằng: “Con phải kêu Ống Cố bằng sư tổ vì lúc trước Ống Cố đã từng dạy Mẹ con đó!...”. Dù bận rộn đến mấy, Ống Cố vẫn dành thời gian để tập hát cho ca đoàn. Ngài tập rất kỹ, nên sau giờ tập hát hầu như ca viên đều thuộc lòng các bài hát, mà không cần đến sách Thánh ca.
Khi tôi lên lớp 6, thì được Ông Cố dạy đàn organ. Ngài bảo tôi muốn đàn giỏi, thì phải chịu khó và kiên nhẫn luyện tập mỗi ngày. Ngay cả cách đặt tay lên phím đàn, ngài cũng dạy tôi rất cẩn thận. Tôi còn nhớ, những lúc các ngón tay tôi không cong tròn trên phím đàn, Ngài liền cho tôi “một cái cốc đầu” và hướng dẫn lại cho tôi. Cái cốc đầu tuy không đau lắm nhưng đủ để tôi sợ mà cố gắng luyện tập cho tốt hơn.
Một lần nọ, Ông Cố có việc phải đi ra ngoài, tôi vẫn tự học đàn. Đến lúc ngài về, tôi thưa chiếu lệ: “Dạ thưa Ông Cố mới về!”, rồi lại ngồi xuống học đàn tiếp một cách thản nhiên, mà không để ý là Ngài thấy tôi thưa hay chưa. Kết quả là ngài đã trách tôi rằng: “Thấy Ống Cố về sao không thưa?”. Ngài luôn dạy tôi phải biết lễ phép, ngoan hiền với người lớn, hòa đồng vui vẻ với bạn bè trong mọi nơi, mọi lúc.
Thường hình ảnh một vị linh mục mặc áo thun quần đùi, đội nón lá lom khom mần cỏ trong khuôn viên nhà thờ chắc rất hiếm gặp, nhưng tôi lại thấy hình ảnh đó rất nhiều lần; thậm chí đôi khi còn gặp Ngài cưa cây, chặt củi phụ các cô chú đang giúp việc cho nhà thờ. Thỉnh thoảng, Ngài còn đi tưới cây cảnh, chậu kiểng trong khuôn viên nhà thờ.
Ngoài ra, Thiên Chúa đã trao ban cho Ông Cố một đặc ân thật lớn lao, Ngài rất can đảm và có khả năng truyền giáo thật tài tình, có thể xua trừ ma quỷ nhập vào người khác. Vì nơi Ngài luôn có một niềm xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa – “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Nơi Ông Cố tôi còn học được cách sống giản dị, tiết kiệm. Trong khuôn viên nhà xứ Ngài trồng rất nhiều loại rau và cây ăn quả, nuôi nhiều loài vật. Ngài nói: “Cái gì mình cũng có sẵn đến lúc cần dùng sẽ dễ dàng nhanh chóng hơn, vừa tiết kiệm lại vừa an toàn thực phẩm…”
Hơn một năm học đàn, cuối cùng tôi cũng có thể đàn lễ trong nhà thờ được mặc dù không hay lắm. Phục vụ chưa được bao lâu, vì hoàn cảnh nên gia đình tôi đã chuyển đi xứ khác. Biết tin, Ông Cố cũng buồn lắm, ngài liên hệ với Cha sở ở giáo xứ mà gia đình tôi chuyển đến, để tôi tiếp tục được đàn lễ, tham gia sinh hoạt của giáo xứ. Ngài nhắn nhủ tôi đi đâu thì cũng phải có tinh thần và trách nhiệm phục vụ vì danh Chúa. Ngài dặn tôi khi nào được nghỉ hè hay có thời gian thì về đây chơi….
Thời gian cứ thế mà trôi qua, giờ đây tôi đã bước vào giảng đường đại học. Thời gian về nhà không nhiều lắm, do đó tôi lại càng ít về thăm Ông Cố hơn, nên đôi khi tôi gọi điện về thăm ngài. Tôi chưa kịp hỏi thăm sức khỏe của ngài thì ngài đã hỏi thăm tôi trước. Ngài dặn tôi rất kỹ từ việc giữ gìn sức khỏe đến việc ăn uống phải cẩn thận; không nên ăn nhiều mì tôm, fastfood hay những thứ linh tinh. Ngài còn khuyên phải cố gắng học hành và phải biết dành thời gian cho Chúa, và phải cầu nguyện với Chúa nhiều hơn khi sống xa nhà, để Chúa giữ gìn và chở che.
Ông Cố luôn sống nhiệt tình và lo nghĩ cho giáo dân của mình. Gần đây sức khỏe của ngài tuy không được tốt nhưng ngài vẫn cố gắng phục vụ hết mình cho giáo dân và giáo xứ. Tôi còn học được ở Ông cố sự phó thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Có lần tôi về thăm khi Ngài mới xuất viện. Ngài hỏi tôi: “Con có sợ chết không?”. “Dạ sợ”- tôi khẽ nói nhè nhẹ. Ngài nói: “Có gì đâu phải sợ, khi chết mình sẽ được gần Chúa hơn, không phải được hạnh phúc hơn sao? Bởi vậy Ông cố không sợ chết!”, rồi ngài cười một cách trìu mến. Tôi lặng nhìn mà thấy thương ngài biết bao!
Khi sức khỏe dần dần hồi phục, ngài lại sắp xếp và soạn lại những quyển Thánh Ca để thuận tiện cho việc hát lễ của ca đoàn hơn. Ngài còn dạy đàn, thổi kèn, đánh trống cho các em trong giáo xứ. Vào mỗi dịp lễ lớn thì các em trình diễn cho bà con giáo dân xem làm cho bầu khí của giáo xứ thêm phần phấn khởi vui tươi.
Nhà thờ giáo xứ tôi vừa thấp, vừa nhỏ; do vậy, những năm nước nổi lớn nước ngập nhà thờ và tháp chuông. Nước ngập, Nhà thờ ngày càng xuống cấp, ngài đã ấp ủ giấc mơ xây dựng lại Nhà thờ từ hàng chục năm trước. Và giờ đây, khi mọi thứ xung quanh đã ổn định, Ngài đã bắt đầu lo cho công trình vĩ đại này mà thôi. Tôi thiết nghĩ, đây cũng là tâm nguyện lớn nhất đời ngài.
Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng tối cao nhìn thấy những gì mà Ông Cố đang làm, xin ban cho ngài được nhiều sức khỏe, nhiều sức mạnh của Chúa Thánh Thần để hoàn thành tốt sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho Ngài. Xin kính dâng lên Ngài- “Người Thầy đáng kính” của con những lời tri ân và cảm mến chân thành. Kính chúc Ngài luôn mạnh khỏe và bình an trong Chúa.
Yến Phạm