Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Hãy theo Thầy




Ngày 30/11: Thánh Anrê tông đồ
Bạn thân mến!
Trong các bài đọc những ngày còn lại của năm phụng vụ này dường như tất cả đều xoay quanh về sự sinh tồn, về quyền năng của Thiên Chúa! Phải chăng tôi và bạn cần nhìn lại chính mình nhiều hơn nữa để suy ngẫm về những gì mà Thiên Chúa đã mặc khải cho ta, để từ đó ta sẽ luôn sẵn sàng bước đi cùng Chúa trên mọi nẻo đường. Mời bạn cùng tôi lắng đọng lòng mình qua câu Lời Chúa và câu chuyện dưới đây:
Câu chuyện minh họa:
Bảo Chứng Của Trường  Sinh Bất  Tử

Công chúa Touwan bên Trung Quốc từ trần vào khoảng năm 104 Trước Công Nguyên, nhưng được những người sinh sống đồng thời tin tưởng là bà sẽ trường sinh bất tử vì bà được an táng trong một quan tài bằng ngọc thạch. Chồng bà nhắm mắt lìa đời 9 năm trước đó cũng được an táng trong một quan tài tương tự.
Ðôi vợ chồng được an nghỉ trong hai ngôi mộ xây cất trong vùng đồi núi hoang vu. Mãi đến năm 1969 người ta mới khám phá ra và cả thế giới ngạc nhiên trước sự giàu sang của thời đại ấy được biểu lộ qua 2,800 của lễ được dâng tặng lúc cử hành lễ an táng, nhưng đặc biệt nhất là hai cái quan tài, mỗi cái gồm tất cả hai ngàn mảnh ngọc nhỏ được kết chung lại bằng những sợi chỉ bằng vàng.
Những người sinh sống vào thời đại ấy quan niệm rằng: vàng và ngọc thạch không bị thời gian làm hư  hại vì thế chúng ta bảo chứng cho sự trường sinh bất tử.
Trên ba vòng bán nguyệt của khung cửa chính ở nhà thờ chánh tòa Milanô bên Italia có khắc ba dòng chữ:
- Phía dưới hình một hoa hồng được chạm trổ tinh vi của một vòng bán nguyệt, người ta đọc được hàng chữ: "Mỗi hạnh phúc chỉ kéo dài trong khoảnh khắc".
- Bên vòng bán nguyệt của khung cửa kia, dưới hình một cây thập giá có ghi hàng chữ: "Mỗi đau khổ chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc".
- Ở vòng nguyệt của khung cửa giữa dẫn vào lòng chính của vương cung thánh đường có khắc dòng chữ: "Chỉ có sự đời đời mới là quan trọng".
Ở giữa một bên là quan niệm đi tìm thuốc tiên hay sử dụng quan tài bằng ngọc thạch để được trường sinh bất tử và bên kia là quan niệm cuộc đời con người chấm cùng bằng cái chết, những người Kitô hữu xây dựng cuộc sống vĩnh cửu bằng những giây phút hiện tại và tin tưởng rằng cái chết là ngưỡng cửa dẫn vào cuộc sống đời đời và chính cuộc sống này mới thực sự quan trọng.
Vì thế họ chọn thái độ "sống gửi thác về". Họ thu nhặt những giá trị qúi như vàng ngọc bằng cách sống tốt, sống thật những giây phút hiện tại, bằng cách áp dụng "hai đạo luật vàng: mến chúa yêu người", vì họ biết rằng chỉ có những gì được làm vì tình yêu mới có giá trị vĩnh cửu.
Vì thế họ quan niệm đời sống là một cuộc hành trình, phải luôn cất bước ra đi: nước mắt, nụ cười chỉ có giá trị tương đối, để mỗi ngày họ bắt đầu lại, mỗi ngày họ cất một bước chân mới đi về nhà cha. Năm phụng vụ đã gần kết thúc. Giáo hội mời gọi chúng ta tiếp tục sống, nhưng với chú tâm sống tốt, sống thật từng phút giây hiện tại vì chúng là những hạt cát, những viên gạch xây dựng cho cuộc sống mai sau.
(Nguồn: Lẽ sống)
Lời Chúa:
"Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá." (Mt 4,19)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho con biết học cách sống quảng đại, biết từ bỏ những phù vân của thế gian mà sẵn sàng bước theo Chúa qua những việc làm xác thực nơi những anh chị em xung quanh con cũng như Thánh Anrê tông đồ. Amen!



Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Xác Tín



Sống với Đức Tin và chết vì Đức Tin quả là một chuyện không đơn giản. Càng suy ngẫm ta lại càng ngưỡng mộ các vị Thánh Tử Đạo Việt Nam hơn. Các Ngài đã anh dũng từ bỏ tất cả, hy sinh tất cả để tuyên xưng đức tin của mình hầu loan truyền Nước Chúa đến cho mọi người. Vậy giờ đây, với bổn phần con cháu, là người được thừa hưởng các đức tín quý báu đó, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng sống tốt với những gì mà các Ngài đã để lại cho chúng ta.

Câu chuyện minh họa:
Chết Vì Niềm Tin

Một sĩ quan quân đội Nga đến gặp một vị mục sư Hungari và xin được được nói chuyện riêng với ông. Viên sĩ quan là một chàng trai trẻ, tướng khí hung hãn và dương dương tự đắc trong tư thế của kẻ chiến thắng.
Khi cửa phòng khách đã được đóng lại rồi, viên sĩ quan chỉ cây thánh giá treo trên tường và nói với vị mục sư rằng: "Ông biết không, cái đó là sự dối trá do các mục sư bày đặt ra để làm mê hoặc đám dân nghèo, để giúp những giàu dễ dàng kiềm hãm họ trong tình trạng ngu dốt. Bây giờ chỉ có tôi và ông, ông hãy thú nhận với tôi rằng: ông không hề bao giờ tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa".
Vị mục sư cười và trả lời rằng: "Ông bạn ơi, tôi tin thật đấy, vì đó là sự thật". "Ông đừng có lừa dối tôi, cũng đừng giễu cợt tôi", vị sĩ quan hét lên. Anh ta rút ra một khẩu súng lục, chĩa vào vị mục sư và hăm dọa: "Nếu ông không nhận rằng đó chỉ là một sự dối trá, thì tôi sẽ nổ súng".
Vị mục sư điềm tĩnh trả lời: "Tôi không thể nói như thế, vì không đúng. Ðức Giêsu thật sự là Con Thiên Chúa".
Viên sĩ quan vứt khẩu súng xuống sàn và chạy đến ôm vị mục sư. Anh ta vừa khóc vừa nói: "Ðúng thế, đúng thế. Tôi cũng tin như vậy, nhưng tôi không thể tin rằng có những người dám chết vì Ðức tin cho đến khi chính tôi khám phá ra điều này. Tôi xin cám ơn Ngài. Ngài đã củng cố lòng tin của tôi. Bây giờ chính tôi cũng có thể chết cho Ðức Kitô. Ngài đã chứng minh cho tôi rằng: Ðiều này có thể làm được".
"Các vị tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng: chết vì niềm tin là hồng ân được trao ban cho thiểu số, nhưng trong niềm tin là ơn gọi của mọi tín hữu".
Cộng đồng Vatican II đã mở ra một kỷ nguyên mới, đã mang đến cho hội thánh và mỗi tín hữu một mùa xuân mới, đã nêu bật và tạo cho mọi tín hữu nhiều cơ hội để biểu lộ niềm tin qua hành động: Sống đạo và Hành đạo. Nhờ quan niệm này, Ðạo đã không bị giới hạn trong nhà thờ và trong những giờ kinh, nhưng Ðạo và Niềm tin đã được đem ra Sống và Thức hành trong mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh sống.
Nhưng câu vấn nạn thường gây ra nhiều thắc mắc vẫn là: sống niềm tin và thực hành trong niềm tin nào?
Quan trọng nhất có lẽ là tin vào Thiên Chúa tình yêu. Ðối với mỗi người trong chúng ta Thiên Chúa tình yêu này có một chương trình để dẫn dắt chúng ta đi trong tin yêu và đạt được tình yêu hoàn hảo. Rồi bước thứ hai là thực hành tình yêu với câu hỏi đơn sơ: nếu Chúa là tôi, thì trong hoàn cảnh cụ thể này, Ngài sẽ xử trí và hành động như thế nào?
(Nguồn: Lẽ sống)

Lời Chúa:

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 20,23)
Cầu nguyện:
Lạy các Thánh tử đạo Việt Nam! Xin cho chúng con biết noi gương các Ngài mà bước đi theo Chúa, xin cho chúng con biết xác tính mạnh mẽ vào quyền năng của Thiên Chúa trước mọi cám dỗ của trần thế! Amen.

Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Chúa Kitô là Vua vũ trụ!






Bạn thân mến!
Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Lễ Chúa Kitô là vua vũ trụ. Chúa Kitô là Đấng đầy quyền năng như thế nhưng người không sử dụng quyền lực để thống trị con người. Ngược lại Ngài đã dùng chính mạng sống của mình trong công cuộc cứu chuộc nhân loại. Không những thế Ngài con tha thiết chờ đợi sự ăn năn sám hối của con người tội lỗi để họ được quay về nẻo chính đường ngay dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ước gì mỗi người trong chúng ta đều thấu hiểu và cảm nhận được tình yêu thương của Thiên Chúa mà cố gắng sống xứng đáng với ơn gọi của một Kitô hữu.

Lời Chúa:
Anh ta thưa với Chúa Giê-su: "Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!" (Lc 23,42)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa là vua của toàn cõi đất, xin giúp con biết noi gương người trộm lành mà được Chúa thương đón nhận vào Nước Trời mai sau. Amen!


Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Như người đầy tớ!




Bạn thân mến!
Thiên Chúa tạo ra mọi loài thọ tạo đều có giá trị riêng của nó. Và con người yếu hèn như chúng ta cũng thế, chúng ta đều được sắp xếp vào chương trình cứu độ của Ngài. Bởi lẽ đó, chúng ta phải cố gắng không ngừng để sống xứng đáng làm con cái Người. Hi vọng rằng câu Lời Chúa cùng câu chuyện dưới đây mà tôi chia sẻ có thể giúp ích được cho mỗi người trong chúng ta:

 Câu chuyện minh họa:
Con Lừa Của Chúa

Thánh Gioan Maria Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không còn đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến khảo sát Vianney. Vianney đã không trả lời được câu hỏi nào... Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: "Vianney, anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì?".
Vianney khiêm tốn, bình tĩnh trả lời: "Thưa thầy, ngày xưa, Samson chỉ dùng một cái xương hàm của một con lừa để đánh bại được 3 ngàn quân Philitinh. Vậy, với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm gì được sao?".
Thiên Chúa tự do chọn lựa mỗi người vào chương trình của Người. Người chọn chúng ta không vì tài năng, đức độ của chúng ta. Người quyền năng đến độ có thể biến sự dốt nát, tầm thường của chúng ta thành những giá trị siêu phàm.
Ðiều quan trọng chính là sự đáp trả quảng đại của chúng ta đối với chương trình của Người. Thiên Chúa luôn làm được phép lạ, nếu con người biết cộng tác với Người, ngay cả bằng chính sự dốt nát, vô dụng của mình.
 (Nguồn: Lẽ sống)
Lời Chúa:
"Ông gọi các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói: 'Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.'" (Lc 19,13)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết quảng đại với tha nhân và biết phục vụ vì người khác để làm sinh lợi cho Chúa giồng như người đầy tớ trung thành. Amen!

Tri Ân Thầy!

Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy!

Câu ca dao ấy vang lên nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông, trong ngày kỷ niệm thật thiêng liêng cao cả. Vâng! Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Nó nhắc nhở mỗi người trong chúng ta, dù còn đi học hay đã ra trường đều nhớ về công ơn to lớn của các thầy cô giáo.
Đang nhớ về các thầy cô giáo đã dạy mình ở thời phổ thông, tôi chợt giật mình và cảm thấy ân hận vì đã vô tình quên tri ân với “người Thầy” đã dạy dỗ tôi rất nhiều thứ, từ lúc tôi còn bé cho đến tận bây giờ. “Thầy” chính là một linh mục đang làm nhiệm sở tại một giáo xứ nghèo và xa xôi thuộc hạt Cái Bè, Giáo phận Mỹ Tho. Tôi vẫn quen gọi “Thầy” là “Ông Cố”.
Ông Cố đã chọn câu Lời Chúa để sống cho cuộc đời linh mục của mình thật ý nghĩa:“Mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” ( Ga 10,11)
Đến bây giờ, lúc nào tôi vẫn cảm thấy Ông Cố cũng sống và tâm niệm theo câu Lời Chúa đó. Ngài đã hy sinh làm rất nhiều việc phục vụ cho lợi ích giáo xứ của mình; Ngài đã xin nguồn tài trợ từ ân nhân khắp nơi cho việc xây dựng và tu sửa lại rất nhiều công trình của giáo xứ: Nhà xứ, Nhà giáo lý, Nhà sinh hoạt, Đài Đức Mẹ, Nhà ở cho Quý sơ về giúp xứ, bờ kè nhà thờ, hàng rào và bờ kè Đất thánh…
Đối với tôi, Ông Cố là bậc thầy đáng kính trong nhiều lĩnh vực. Ngài đã dạy tôi từ nhân bản, đạo đức cho đến chuyện học hành và đặc biệt là đời sống đức tin của người Kitô hữu.
Tôi còn nhớ lúc mình học lớp Rước lễ. Ông Cố thường xuyên lên xem các cô chú, anh chị giáo lý viên dạy chúng tôi. Ông Cố còn tập cho chúng tôi các bài hát sinh hoạt rất hay, dù ngài rất bận rộn.
Đến năm học lớp 4, tôi xin Ông Cố cho tham gia vào ca đoàn. Ngài vui vẻ nhận lời và nói với tôi rằng: “Con phải kêu Ống Cố bằng sư tổ vì lúc trước Ống Cố đã từng dạy Mẹ con đó!...”. Dù bận rộn đến mấy, Ống Cố vẫn dành thời gian để tập hát cho ca đoàn. Ngài tập rất kỹ, nên sau giờ tập hát hầu như ca viên đều thuộc lòng các bài hát, mà không cần đến sách Thánh ca.
Khi tôi lên lớp 6, thì được Ông Cố dạy đàn organ. Ngài bảo tôi muốn đàn giỏi, thì phải chịu khó và kiên nhẫn luyện tập mỗi ngày. Ngay cả cách đặt tay lên phím đàn, ngài cũng dạy tôi rất cẩn thận. Tôi còn nhớ, những lúc các ngón tay tôi không cong tròn trên phím đàn, Ngài liền cho tôi “một cái cốc đầu” và hướng dẫn lại cho tôi. Cái cốc đầu tuy không đau lắm nhưng đủ để tôi sợ mà cố gắng luyện tập cho tốt hơn.
Một lần nọ, Ông Cố có việc phải đi ra ngoài, tôi vẫn tự học đàn. Đến lúc ngài về, tôi thưa chiếu lệ: “Dạ thưa Ông Cố mới về!”, rồi lại ngồi xuống học đàn tiếp một cách thản nhiên, mà không để ý là Ngài thấy tôi thưa hay chưa. Kết quả là ngài đã trách tôi rằng: “Thấy Ống Cố về sao không thưa?”. Ngài luôn dạy tôi phải biết lễ phép, ngoan hiền với người lớn, hòa đồng vui vẻ với bạn bè trong mọi nơi, mọi lúc.
Thường hình ảnh một vị linh mục mặc áo thun quần đùi, đội nón lá lom khom mần cỏ trong khuôn viên nhà thờ chắc rất hiếm gặp, nhưng tôi lại thấy hình ảnh đó rất nhiều lần; thậm chí đôi khi còn gặp Ngài cưa cây, chặt củi phụ các cô chú đang giúp việc cho nhà thờ. Thỉnh thoảng, Ngài còn đi tưới cây cảnh, chậu kiểng trong khuôn viên nhà thờ.
Ngoài ra, Thiên Chúa đã trao ban cho Ông Cố một đặc ân thật lớn lao, Ngài rất can đảm và có khả năng truyền giáo thật tài tình, có thể xua trừ ma quỷ nhập vào người khác. Vì nơi Ngài luôn có một niềm xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa – “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Nơi Ông Cố tôi còn học được cách sống giản dị, tiết kiệm. Trong khuôn viên nhà xứ Ngài trồng rất nhiều loại rau và cây ăn quả, nuôi nhiều loài vật. Ngài nói: “Cái gì mình cũng có sẵn đến lúc cần dùng sẽ dễ dàng nhanh chóng hơn, vừa tiết kiệm lại vừa an toàn thực phẩm…”
Hơn một năm học đàn, cuối cùng tôi cũng có thể đàn lễ trong nhà thờ được mặc dù không hay lắm. Phục vụ chưa được bao lâu, vì hoàn cảnh nên gia đình tôi đã chuyển đi xứ khác. Biết tin, Ông Cố cũng buồn lắm, ngài liên hệ với Cha sở ở giáo xứ mà gia đình tôi chuyển đến, để tôi tiếp tục được đàn lễ, tham gia sinh hoạt của giáo xứ. Ngài nhắn nhủ tôi đi đâu thì cũng phải có tinh thần và trách nhiệm phục vụ vì danh Chúa. Ngài dặn tôi khi nào được nghỉ hè hay có thời gian thì về đây chơi….
Thời gian cứ thế mà trôi qua, giờ đây tôi đã bước vào giảng đường đại học. Thời gian về nhà không nhiều lắm, do đó tôi lại càng ít về thăm Ông Cố hơn, nên đôi khi tôi gọi điện về thăm ngài. Tôi chưa kịp hỏi thăm sức khỏe của ngài thì ngài đã hỏi thăm tôi trước. Ngài dặn tôi rất kỹ từ việc giữ gìn sức khỏe đến việc ăn uống phải cẩn thận; không nên ăn nhiều mì tôm, fastfood hay những thứ linh tinh. Ngài còn khuyên phải cố gắng học hành và phải biết dành thời gian cho Chúa, và phải cầu nguyện với Chúa nhiều hơn khi sống xa nhà, để Chúa giữ gìn và chở che.
Ông Cố luôn sống nhiệt tình và lo nghĩ cho giáo dân của mình. Gần đây sức khỏe của ngài tuy không được tốt nhưng ngài vẫn cố gắng phục vụ hết mình cho giáo dân và giáo xứ. Tôi còn học được ở Ông cố sự phó thác mạnh mẽ vào Thiên Chúa. Có lần tôi về thăm khi Ngài mới xuất viện. Ngài hỏi tôi: “Con có sợ chết không?”. “Dạ sợ”- tôi khẽ nói nhè nhẹ. Ngài nói: “Có gì đâu phải sợ, khi chết mình sẽ được gần Chúa hơn, không phải được hạnh phúc hơn sao? Bởi vậy Ông cố không sợ chết!”, rồi ngài cười một cách trìu mến. Tôi lặng nhìn mà thấy thương ngài biết bao!
Khi sức khỏe dần dần hồi phục, ngài lại sắp xếp và soạn lại những quyển Thánh Ca để thuận tiện cho việc hát lễ của ca đoàn hơn. Ngài còn dạy đàn, thổi kèn, đánh trống cho các em trong giáo xứ. Vào mỗi dịp lễ lớn thì các em trình diễn cho bà con giáo dân xem làm cho bầu khí của giáo xứ thêm phần phấn khởi vui tươi.
Nhà thờ giáo xứ tôi vừa thấp, vừa nhỏ; do vậy, những năm nước nổi lớn nước ngập nhà thờ và tháp chuông. Nước ngập, Nhà thờ ngày càng xuống cấp, ngài đã ấp ủ giấc mơ xây dựng lại Nhà thờ từ hàng chục năm trước. Và giờ đây, khi mọi thứ xung quanh đã ổn định, Ngài đã bắt đầu lo cho công trình vĩ đại này mà thôi. Tôi thiết nghĩ, đây cũng là tâm nguyện lớn nhất đời ngài.
Nguyện xin Thiên Chúa là Đấng tối cao nhìn thấy những gì mà Ông Cố đang làm, xin ban cho ngài được nhiều sức khỏe, nhiều sức mạnh của Chúa Thánh Thần để hoàn thành tốt sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao ban cho Ngài. Xin kính dâng lên Ngài- “Người Thầy đáng kính” của con những lời tri ân và cảm mến chân thành. Kính chúc Ngài luôn mạnh khỏe và bình an trong Chúa.
Yến Phạm
      

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Tôi Luyện Đức Tin




Trong đời sống đức tin của mình, người Kitô hữu chúng ta thường nói đùa với nhau "cây cầu dài nhất chính là cầu nguyện".
Đúng vậy! "Cầu nguyện" quả là cây cầu thật dài và đầy dãy những chông gai thử thách. Nếu không giữ vững đức tin ta sẽ dễ dàng lạc hướng mà bước sang một "cây cầu" khác.
Hôm nay, Giáo phận Mỹ Tho chúng ta long trọng tổ chức các giờ chầu Thánh Thể cầu nguyện bế mạc Năm Đức Tin. Vậy trong suốt những hành trình vừa qua chúng ta đã tôi luyện Đức Tin của mình như thế nào? Tôi tin chắc rằng cả tôi và bạn ít nhiều gì cũng có thêm lòng Tin-Cậy-Mến vào Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và những anh chị em xung quanh mình.
Kết thúc năm Đức Tin tôi cảm thấy mình phải dành nhiều thời gian cho Chúa hơn, phải cầu nguyện với Chúa nhiều hơn, phải kiên trì tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa, có như thế tôi sẽ không nản lòng mà sa ngã, làm những điều trái ý Người.
Hy vọng rằng, năm Đức Tin thì đức tin trong lòng mỗi người chúng ta vẫn sẽ còn đó và cháy mãi trong sự kiên trì nhẫn nại cầu nguyện với Chúa. Vì Thiên Chúa sẽ chẳng bỏ rơi ai bao giờ khi họ đến với Người.

"Chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao?" (Lc 18,7)


Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con đức tin kiên vững dù trong bất kì hoàn cảnh nào. Amen!

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Tình người




Bạn thân mến!
Chúng ta đang sống trong một xã hội ngày càng hiện đại văn minh, phải chăng vì thế mà chúng ta quá lo toan chạy theo những nhu cầu của xã hội mà vô tình đánh mất đi một thứ rất thiêng liêng, đó chính là "tình người". Hầu như chúng ta chỉ để ý đến những gì tác động trực tiếp đến bản thân mình mà quên đi sự hiện diện của người khác giữa những lúc họ gặp phải hoạn nạn khó khăn. Thử nghĩ mà xem nếu một ngày nào đó tôi hoặc bạn rơi vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng mọi người đều bỏ mặt ta, không màng đến sự sống còn của ta mà tiếp tục chạy theo sự hối hả của dòng đời, lúc ấy ta sẽ cảm thấy như thế nào? Còn chần chừ gì nữa mà ta không mở lòng mình ra mà giúp đỡ những người cần giúp đỡ, an ủi những người cần an ủi, sẻ chia và cảm thông với những người cần được cảm thông, chia sẻ.Và nếu có thể hi sinh giống như Chúa Giêsu đã hi sinh mạng sống mình để cứu chuộc nhân loại vậy. Vì chính khi ta biết cho đi chính là lúc ta được nhận lại gấp trăm gấp ngàn lần.

"Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống." (Lc 17,33)

Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin giúp con dẹp bỏ mọi hẹp hồi ích kỉ mà sẵn sáng giúp đỡ người khác những lúc họ cần đến con, dù đó là một việc thật nhỏ bé đơn sơ.



Chủ Nhật, 10 tháng 11, 2013

Đức Tin Bằng Hạt Cải

Trong cuộc sống tạm bợ ở trần thế này, ranh giới giữa sự sống và sự chết thật quá mong manh, sống nay chết mai thật khó có mấy ai có thể ngờ trước được. Nếu như ta không vững tin vào sự phục sinh vinh quang của Thiên Chúa thì ta sẽ dễ dàng bị ma quỷ lôi kéo theo đường tội lỗi, không biết lo lắng, tích góp của cải cho đời sau. Bởi thế nên, trước khi quá muộn màng, chúng ta hãy cùng cố gắng rèn luyện đức tin vào Thiên Chúa và sống có đức ái với mọi người xung quanh, để mai sau được phước sum hợp với Chúa muôn đời và được những người xung quanh thương mến, tiếc thương khi ta đã từ biệt họ để bước vào một cuộc sống mới.

"Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: 'Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc', nó cũng sẽ vâng lời anh em."  ( Lc 17,6)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Con xin phó thác tất cả những gì của con trong tay Chúa, kể cả mạng sống của con. Vì con tin rằng Chúa luôn ban cho con những điều hoàn hảo nhất. Amen!


                             

Thứ Bảy, 9 tháng 11, 2013

Tha Thứ

                 


Có những lúc trong cuộc sống dù vô tình hay cố ý, ta đã để trong lòng những thù hận ghen ghét về một người nào mà ta không thích. Để rồi sự ghen ghét đó ngày càng gia tăng, nó làm ta mất đi thứ tình cảm thiêng liêng biết tha thứ cho người khác lúc nào không hay biết.
Câu Lời Chúa mà tôi đọc được hôm nay giúp tôi cảm nhận được rằng, nếu có thể tha thứ thì hãy cứ tha thứ vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Hơn thế nữa, tự bản thân chúng ta cũng phải biết kiểm điểm lại chính mình đã làm những gì sai trái khiến người khác không vừa lòng. Để qua đó ta biết lắng nghe người khác nhắc nhở góp ý mà hoàn thiện bản thân mình hơn.

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó.” ( Lc 17,3)

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Xin cho con biết lắng nghe và thấu hiểu những anh chị em xung quanh con, để từ đó con có thể sống tốt với mọi người hơn nhờ tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Amen!

Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

Con chiên lạc!

Trong cuộc sống này, có những thứ ta cảm thấy rất bình thường. Nhưng đến khi nó mất đi hay rời xa ta, lúc đó ta mới biết nó quan trọng tới mức nào.
Đối với Thiên Chúa chúng ta luôn là những thứ quý giá nhất của người. Kể cả những khi ta lỗi phạm hay đi lạc hướng trong đời sống đức tin của người Kitô hữu Người vẫn không hề bỏ rơi ta, mặc cho ta đấu tranh với thế giới đầy tội lỗi đó. Người luôn mở rộng tấm lòng, chờ đợi và không ngừng tìm kiếm để ta sớm quay về nẻo chính đường ngay.

"Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó."                                                                                                                  (Lc 15,6)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Xin Người luôn giữ gìn con, để con không sa ngã trước những cám dỗ, những xấu xa của trần thế mà bỏ nghĩa với Người. Xin giúp con biết cố gắng để trở thành con chiên tốt. Và xin Chúa hãy cho những người tội lỗi sớm được quay về với Người. Amen!

         

Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

Theo Chúa Phục Vụ!



Phục vụ! Hai từ này nghe rất hay và ý nghĩa.
Nó thể hiện được tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người. Nhưng có mấy ai thể hiện được nguyên vẹn ý nghĩa cao đẹp của hai từ ấy qua hành động của mình một cách vô vị lợi. Hay chẳng qua cũng chỉ vì một chút lợi ích nào đó.
Thầy Chí Thánh Giêsu đã làm rất nhiều việc để phục vụ tha nhân đến nổi đã đánh đổi cả mạng sống của mình cho nhân loại. Không những thế, Người còn kêu gọi chúng ta từ bỏ đi những thứ hư vô, phù phiếm ở trần thế này để cùng kết hiệp với Người mà phục vụ tốt hơn.

"Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được." (Lc 14,33)

Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho con biết sẵn sàng theo Chúa bất cứ lúc nào, để con được trở nên môn đệ của Chúa mà phục vụ tha nhân. Amen!

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

Lòng Nhân Hậu Của Thiên Chúa

Thiên Chúa hằng yêu thương hết mọi loài thọ tạo do chính Người quan phòng. Kể cả những người tội lỗi xấu xa, Người vẫn luôn rộng mở và tha thứ với trái tim từ ái khoan dung mà chờ đón họ quay về. Câu chuyện và câu Lời Chúa hôm nay mà tôi đọc được đã giúp tội hiểu rõ hơn về lòng nhân hậu của Chúa, qua đó để tôi có thể cố gắng hơn nữa trong đời sống của một người Kitô hữu:

Ðỉnh Cao

Ðỉnh Everest cao nhất thế giới của dãy Hy Mã Lạp Sơn như có một ma lực hấp dẫn những người leo núi thiện nghệ. Ai đã vướng vào môn thể thao leo núi xem đó như là một giấc mơ, nếu ngày nào đó họ đặt được chân trên đỉnh núi cao 8,880 thước, quanh năm phủ tuyết này, nhưng chỉ có một số ít người thực hiện được giấc mộng ấy và rất nhiều người đã bỏ mình dọc theo con đường lên đỉnh.
Trên những con đường ấy, người ta thấy hai bia mộ ghi những dòng chữ sau đây: bia thứ nhất đề "Họ thấy được lần cuối cùng trong lúc gắng sức leo lên". Và bia thứ hai tưởng niệm một huấn đạo viên chỉ viết vỏn vẹn một câu "Ông ta chết trong lúc đang leo".
Nếu đời sống là một cuộc tranh đấu không ngừng thì để sống đạo và hành đạo cũng thế. Ðiều quan trọng không phải là thành công hay thất bại, mà là chỗi dậy và tiến bước. Phải gọi là thẳng tiến thì đúng hơn, vì câu tâm niệm của các Kitô hữu phải là: "ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua, nhưng kém hơn ngày mai".
Bí quyết thành công thứ hai là không bao giờ chúng ta nên đi trên con đường nên thánh một mình, hãy noi gương những người đi trước, những thánh nhân và hãy cùng nhau tiến bước. Và nhất là hãy đi vào những vết chân Chúa Giêsu đã để lại.
(Nguồn: Lẽ sống)
Lời Chúa:
 Khi Chúa Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : "Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !". Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (Lc 19, 5-6)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin chỉ cho con biết đường đi của Chúa, để con có thể giảm bớt tội lỗi của mình mà sống đẹp lòng Chúa hơn. Amen!